8 thủ đoạn phổ biến của tội phạm công nghệ cao
Đại tá - Tiến sĩ Trần Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, thống kê những chiêu thức tấn công phổ biến qua Internet tại Triển lãm Security World, diễn ra ngày 5-6/4 tại Hà Nội.
Ông Hòa cho hay hiện nay, có tới 95% thông tin ở Việt Nam được tạo ra ở dạng số hóa và được lưu trữ, truyền tải dưới dạng dữ liệu điện tử. Lượng người dùng Internet cũng chiếm tới 31,9% dân số và xu hướng truy cập mạng bằng thiết bị di động đang tăng nhanh chóng.
Trong khi đó, doanh nghiệp và tổ chức lại chưa xây dựng giải pháp bảo mật tổng thể mà chỉ quan tâm đến cách khắc phục từng sự cố, như khi hệ thống nhiễm virus hoặc bị tấn công botnet, DDoS... và phần lớn không tìm ra được hacker xâm nhập bất hợp pháp, lấy cắp dữ liệu. Ngoài ra, sự phổ biến của mạng xã hội như Twitter, Facebook, các trang blog, podcast và wiki cũng làm nảy sinh hàng loạt thách thức cho đảm bảo an toàn thông tin và giao dịch trực tuyến.
Ông Hòa chia sẻ, Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận thấy tội phạm có xu hướng kết nối với mục tiêu tấn công thông qua trung gian (proxy server) từ các quán Internet cafe, các điểm Wi-Fi công cộng nhằm che giấu nguồn gốc truy cập. Chúng có thể tấn công từ xa qua mạng VPN, sử dụng nhiều loại virus siêu đa hình, phần mềm ghi ký tự bàn phím (keylogger), phần mềm gián điệp (spyware), phần mềm tạo địa chỉ giả danh (fake e-mail) hoặc tấn công qua công nghệ di động, sử dụng kết nối 3G-4G, IPv6...